1. Xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch bài học nghiên cứu
1.1. Mục tiêu bài học: Phát triển các năng lực và phẩm chất được quy định trong chương trình tương ứng với nội dung dạy học kĩ năng viết ở Chủ đề 7 – Anh hùng và nghệ sĩ; bài Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm.
1.2. Xây dựng kế hoạch bài học:
- GV thực hiện: Cô Đặng Trần Kim Liên;
- Thời gian thực hiện: Từ ngày 24/01/2024 đến ngày 20/02/2024
- Các GV khác trong tổ Ngữ Văn đóng góp ý kiến, hỗ trợ để hoàn thiện kế hoạch bài học.
+ Thời gian: Họp tổ chuyên môn ngày 21 tháng 02 năm 2024
+ Nội dung:
- Cô Phạm Thị Thanh Nga góp ý về việc tổ chức các kiến thức đã học – sẽ học một cách khoa học, có tính hệ thống hơn để HS dễ dàng tiếp thu.
- Cô Lê Thị Phương Thuỳ góp ý về cách tổ chức một số hoạt động để phù hợp hơn về mặt thời gian.
- Một số Thầy Cô khác góp ý thêm về cách xây dựng phiếu học tập; tích hợp các hoạt động nhỏ lẻ thành hoạt động lớn để bài dạy trở nên chặt chẽ hơn.
- Cô Nguyễn Thị Ái Vân – tổ trưởng tổ Ngữ Văn – phát biểu tổng hợp các ý kiến.
2. Bài dạy minh hoạ:
2.1. Thông tin chung:
- Họ và tên giáo viên giảng dạy: Cô Đặng Trần Kim Liên.
- Thời gian: Tiết 3-4, thứ Tư, ngày 06/03/2024
- Địa điểm: Phòng D504
- Lớp dạy minh hoạ: 10TH2.
- Tên bài: Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm.
- Thành phần tham dự: Cô Bùi Thị Bảo Ngọc – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; giáo viên tổ Ngữ văn; giáo sinh thực tập môn Ngữ văn.
2.2. Tiến trình bài học:
- Giáo viên triển khai bài giảng trong 2 tiết với định hướng phát triển năng lực tạo lập văn bản nghị luận với mục đích thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay quan niệm. Cụ thể tiến trình bài học:
+ Hoạt động 1: Khởi động – Kích hoạt tri thức nền - Trò chơi Thử tài thông thái: HS thực hành trả lời 3 câu hỏi trắc nghiệm để ôn tập lại kiến thức nền về mục đích, chức năng và các tiêu chí cần đáp ứng để văn bản nghị luận có tính thuyết phục cao.
+ Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới – Tìm hiểu tri thức về kiểu bài.
- GV dùng phương pháp thuyết giảng để chốt lại các tri thức về kiểu bài đã được ôn tập lại ở hoạt động 1, từ đó dẫn dắt vào các yêu cầu đối với kiểu bài.
- GV yêu cầu HS phát biểu để hoàn thiện các yêu cầu trong tri thức kiểu bài dựa trên phiếu học tập các em đã chuẩn bị.
+ Hoạt động 3: Thực hành phân tích mẫu thông qua ngữ liệu tham khảo:
- GV phân công HS đọc ngữ liệu tham khảo (sách giáo khoa, trang 51, 52);
- GV yêu cầu thảo luận nhanh theo nhóm, dựa trên các tiêu chí/ yêu cầu đã đúc kết ở hoạt động 2 để phân tích, đánh giá ngữ liệu. Từ đó, các nhóm rút ra kinh nghiệm khi thực hiện một bài luận tương tự.
- GV chốt lại đánh giá của các nhóm; nhận xét và góp ý.
+ Hoạt động 4: Hình thành kiến thức mới – Tìm hiểu về quy trình viết:
- GV yêu cầu HS dựa trên phiếu học tập đã chuẩn bị ở nhà để trả lời phát vấn; nêu lên những thao tác cần thực hiện trong quy trình viết.
- Ở mỗi giai đoạn của quy trình, sau phần trả lời của HS; GV phân tích những điều cần lưu ý trong thao tác, chốt lại những điều cần nhớ khi thực hiện thao tác.
+ Hoạt động 5: Thực hành viết theo quy trình:
- GV đưa ra một tình huống minh hoạ và chuyển giao nhiệm vụ cho HS.
Tình huống: Giới trẻ hiện nay ngày càng có xu hướng thức khuya (để lướt mạng xã hội, xem phim, chơi điện tử, là bài tập,...). Bạn được mời cộng tác viết bài luận cho chuyên mục Sức khoẻ tuổi chúng mình trong tập san thường niên của nhà trường với nội dung hướng tới thuyết phục các bạn trẻ từ bỏ thói quen này để xây dựng một lối sống lành mạnh, khoa học.
Nhiệm vụ: Hãy viết bài luận thuyết phục các bạn trẻ từ bỏ thói quen thức khuya.
- HS thảo luận theo nhóm, chọn 01 luận điểm để lập dàn ý trong thời gian 5 phút.
- Kết thúc thời gian thảo luận, GV yêu cầu đại diện một nhóm lên trình bày kết quả thảo luận; các nhóm khác quan sát, lắng nghe, nhận xét, góp ý dựa trên tiêu chí đã được GV trình bày.
- GV đánh giá bài làm của nhóm; đúc kết các kinh nghiệm và lưu ý khi HS tìm ý và lập dàn ý của bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay quan niệm.
- Cuối cùng, GV chuyển giao nhiệm vụ đề HS thực hiện ở nhà.
3. Thảo luận, trao đổi về bài học nghiên cứu
- Ưu điểm:
+ Thiết kế giáo án đúng theo chuẩn CV 5512 nhằm phát triển năng lực của người học.
+ Bài giảng có sự đầu tư nghiêm túc, công phu. Bài dạy có mục tiêu rõ ràng, nội dung sâu kĩ, sản phẩm học tập sinh động. GV nắm chắc kiến thức, triển khai bài giảng đúng hướng, quản lý tốt các hoạt động của HS, giúp đỡ kịp thời khi HS gặp khó khăn trong quá trình học.
+ Kết hợp nhuần nhuyễn các công cụ, ứng dụng công nghệ thông tin – đặc biệt là bảng tương tác - và các phương pháp dạy học tích cực vào bài dạy, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học qua các hoạt động học tập; tạo tính tương tác cao cho tiết học.
+ GV không dừng lại ở những kiến thức như sách giáo khoa đã đề cập mà còn có những lưu ý để học sinh hiểu sâu hơn vấn đề. Kiến thức được truyền tải một cách hợp lí, kĩ năng của HS được hình thành một cách cơ bản trong quá trình học.
- Góp ý phát triển bài dạy:
+ Trao đổi từ các giáo viên tham gia dự thao giảng: Tiến trình bài dạy nhuần nhuyễn; không khí học tích cực. Tuy nhiên bài dạy có thể hoàn thiện hơn khi GV cân nhắc về thời lượng giảng dạy Hoạt động Phân tích mẫu; dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động Tìm ý, lập dàn ý.
+ Cô Nguyễn Thị Ái Vân – tổ trưởng tổ Ngữ Văn – tổng kết các ý kiến: Tiết dạy rất cụ thể, sinh động; chuyển hoá một cách tích cực các nội dung của kế hoạch bài học. Nhìn chung, tiết học sinh động, hấp dẫn; có sự tương tác cao giữa GV và HS; hoàn thành tốt các mục tiêu đã đặt ra, đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình.