Thích nghi với môi trường

THÍCH NGHI VỚI MÔI TRƯỜNG

 

I. Mục tiêu:

- Giúp các em nhanh chóng hòa nhập và thích nghi với môi trường mới.

II. Nội dung bài học:

  1. Những yếu tố nào ảnh hưởng bởi sự thay đổi môi trường sống.
  2. Thực hành: Thích nghi với sự thay đổi môi trường mới.

III. Tài liệu, phương tiện:

  • Sách hướng dẫn sinh hoạt Kỹ năng Sống của trung tâm Phù Sa Đỏ.
  • Sách hướng dẫn các trò chơi tập thể
  • Máy tính, máy chiếu, giấy và bút lông

IV. Hướng dẫn thực hiện:

            1/ Hoạt động 1: Trò chơi mở đầu “ Ai là triệu phú ?’’

  1. Mục tiêu:

Tạo không khí mở đầu vui tươi đồng thời giúp các em có cái nhìn sơ lược về sự thích nghi với môi trường sống của các loài động vật.

  1. Cách tiến hành:
  • Lần lượt trình chiếu các câu hỏi, cho các em trả lời rồi đưa ra đáp án cuối cùng và giải thích.
  •  

1. Loài ếch sống ở những vùng lạnh giá làm cách nào để tồn tại trong mùa đông?

A. Trốn trong hang   B. Đóng băng    C. Sống trong các lùm cây     D. Sống dưới nước

=> Đáp án: B

*  Giải thích: Trong khi một số loài thường tìm cách để tránh bị đóng băng như cá Bắc Cực, một số loài động vật khác lại tự tiến hóa để biến việc đóng băng trở thành cách tồn tại. 

Ta có thể thấy hiện tượng này ở các loài ếch, rùa: chúng bị đóng băng vào mùa đông, nhưng ngay khi xuân đến và băng tan, chúng lập tức sống lại và hoạt động bình thường.

Giải thích cho điều kỳ lạ này chính là ure và glucose. Muối ure giúp ngăn cản và giới hạn hàm lượng nước trong cơ thể bị đóng băng và làm giảm co rút thẩm thấu của tế bào, giữ ếch ở trạng thái giả chết. Còn đường glucose sẽ dần chuyển hóa thành năng lượng nuôi sống cơ thể. Cơ chế này tương đối giống với việc ngủ đông của gấu. 

Tuy nhiên, phương pháp này cũng có giới hạn của nó. Nếu nhiệt độ lạnh quá mức cho phép và khiến quá 65% nước trong cơ thể ếch bị đóng băng, chúng sẽ chết.

 

 2. Loài voi khi sống ở những nơi có nhiệt độ cao sẽ tự tản nhiệt để tồn tại. Vậy, bộ phân nào của chúng đảm nhận nhiệm vụ đó?

A. Thân     B. Chân    C. Tai    D. Vòi

=> Đáp án: C

* Gỉai thích: Câu trả lời  chính là đôi tai của chúng. Có rất nhiều mạch máu nhỏ trên tai của voi, đây chính là nơi giúp chúng tỏa bớt nhiệt của cơ thể ra bên ngoài. Với đôi tai càng to, thì chức năng tản nhiệt của voi càng lớn. Tai loài thỏ cũng có tác dụng tương tự.

Để thấy rõ sự khác biệt, các bạn hãy so sánh tai của voi ngày nay và loài voi ma mút đã tuyệt chủng hàng trăm ngàn năm trước. Voi mamut sống ở nhiệt độ thấp nên chúng có đôi tai bé và bộ lông dày để giữ nhiệt cho cơ thể mình. 

 

3. Trong các mùa hạn hán, môi trường nước trở nên hạn chế. Loài lươn có cách nào để hô hấp trên cạn không?

 A. Thở bằng mang  B. Tự hình thành phổ   C. Hấp thụ oxi qua một cơ quan đặc biệt ở ruột già      D. Không có cách nào để tồn tại trên cạn

=> Đáp án: C

*  Giaỉ thích: Ở vùng nhiệt đới và xích đạo, những thay đổi luân phiên của mùa có thể là tai họa cho nhiều loài động vật. Vào mùa mưa, lũ lụt sẽ khiến nhiều loài động vật mất đất sống, trong khi đó mùa khô lại khiến các loài thủy sinh khốn đốn.

Để chống lại sự khắc nghiệt đó, có những loài đã “tiến hóa”, đó chính là những loài cá có phổi và lưỡng phế. Chúng tự hình thành phổi bên cạnh chiếc mang sẵn có để có thể hít thở trên cạn mà không gặp khó khăn gì. 

Đối với những loài không thể tự hình thành phổi cho mình như một số loài lươn, thì chúng lại có một cách khác, đó chính là hấp thụ oxy qua một cơ quan đặc biệt ở ruột già.

4. Cá Bắc Cực là loài cá đặc biệt, có khả năng chịu rét vô cùng cao. Hãy cho biết nhiệt độ nước thông thường trong môi trường sống của chúng là bao nhiêu độ C?

A. -4oC             B. -15 o C                  C. -25 o C                  D. -30 o C

=> Đáp án: D

* Giải thích: Với các loài động vật biến nhiệt, đặc biệt khi chúng sống ở những nơi lạnh giá như Bắc Cực, nhiệt độ thấp là mối đe dọa lớn với chúng. 

Ví dụ như ở loài cá, chúng không có bộ lông dày như gấu, không có lớp da dày như hải cẩu, chúng phải sống 24/24 trong nhiệt độ -30 độ C. Về lý thuyết, ở nhiệt độ này các tinh thể băng sẽ bắt đầu hình thành trong máu, khiến các loài động vật không thể trao đổi chất và oxy, chúng sẽ chết.

Tuy nhiên, cá Bắc Cực trong quá trình tiến hóa đã tự “tổ hợp” cho mình được một loại protein mới gọi là AFP - protein chống đông lạnh.

Thực tế đã chứng minh, phân tử protein này có khả năng phát hiện, bám chặt vào tinh thể băng mới hình thành và ngăn chặn sự lớn lên của nó. Từ đó, chúng cho phép các tế bào khác tiếp tục thực hiện chức năng của mình. Một dạng protein tương tự cũng đã được tìm thấy trong một số loài bọ cánh cứng sống ở trên cao - nơi có nhiệt độ rất thấp.

  • Qua đây, ta có thể thấy các loài động vật luôn tiến hóa không ngừng để thích nghi với những môi trường sống mới, khắc nghiệt hơn. Đó là một trong những quy luật của thuyết tiến hóa mà Darwin đã đề ra cách đây 150 năm. Bước sang ngưỡng cửa của thế kỉ XXI, với bao nhiêu biến động tự nhiên, khủng hoảng kinh tế, chiến tranh hạt nhân; giao lưu, hội nhập… xã hội loài người đã trở thành một con quay khổng lồ thay đổi theo từng giây phút. Trong cuộc biến đổi không ngừng đó, khả năng biến đổi để thích ứng được xem như nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của mỗi người.

 

2/ Hoạt động 2: BÀI HỌC: THÍCH NGHI VỚI MÔI TRƯỜNG

  1. THÍCH NGHI VỚI MÔI TRƯỜNG Ở ĐỘNG VẬT

Cho học sinh xem video về sự thích nghi của động vật trong môi trường tự nhiên.

https://www.youtube.com/watch?v=xxnIrI4LTzQ

     2. THÍCH NGHI VỚI MÔI TRƯỜNG Ở CON NGƯỜI.

a. Mục tiêu: Giúp các em nhận biết được những yếu tố ảnh hưởng do sự thay đổi môi trường gây ra.

b. Cách tiến hành:

Bước 1   NÊU TÌNH HUỐNG
Tình huống : Riley từ nhỏ đã sinh sống ở Minnesota, một tiểu bang của Hoa Kỳ. Cô bé có rất nhiều bạn bè cũng như những kỉ niệm đẹp ở đây. Bỗng một ngày kia, cuộc sống của Riley bị đảo lộn, gia đình của cô bé phải chuyển nhà đến San Francisco do vấn đề kinh tế. Riley đã gặp phải những vấn đề gì? Các em hãy cùng xem đoạn phim sau. <Xem clip> (một phần của phim Inside out)
 

Bước 2:   THẢO LUẬN NHÓM
- Liệt kê các khó khăn ảnh hưởng đến nhân vật trong tình huống nêu trên.
- Theo em, yếu tố nào là quan trọng đối với một người khi đến với môi trường mới?

Thảo luận nhóm:     

- Các nhóm thảo luận và chọn ra những quan điểm chung của mọi thành viên trong nhóm về những điểm cần lưu ý để thích nghi với môi trường sống mới yêu cầu  liệt kê các khó khăn  ảnh hưởng đến nhân vật trong tình huống nêu trên.
  - Mỗi nhóm cử ra đại diện để lên trình bày trước lớp về quan điểm của nhóm mình.

 

  • 3:   KINH NGHIỆM BẢN THÂN
      Các em là những học sinh mới của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong,  ngôi trường của những ước mơ. Để có thể tồn tại và thành công ở ngôi trường danh tiếng này, các em phải vượt qua rất nhiều thử thách. Vậy các em hãy kể ra những khó khăn ảnh hưởng đến quá trình thích nghi với môi trường mới này và nêu cách khắc phục (nếu có). à Các nhóm sẽ liệt kê một số khó khăn gặp phải và hướng giải quyết, sau đó trình bày với cả lớp.

Giáo viên cho học sinh chơi gameshow “Chung sức”

  • Khó khăn:
  • Chìm đắm trong những hoài niệm cũ, khó chấp nhận môi trường mới, ngại thay đổi để thích nghi
  • Chưa thực sự thân thiết với trường lớp, thầy cô và bạn bè.
  • Shock văn hóa (nề nếp, trang phục, hành vi, đẳng cấp…)
  • Chưa làm quen với phương pháp học tập mới của nhà trường
  • Áp lực học tập, thi cử, kiểm tra, điểm số ở trường chuyên

 

  • Cách giải quyết:
  • Thân thiện, hòa đồng, cởi mở để xây dựng những mối quan hệ tốt.
  • Lắng nghe, quan sát mọi người để thấu hiểu cũng như giúp đỡ khi cần thiết
  • Tham gia tích cực và nhiệt tình vào các công tác chung để hòa nhập với môi trường văn hóa mới
  • Điều chỉnh một số thói quen không tốt để phù hợp với tập thể, hòa nhập nhưng không hòa tan
  • Sắp xếp thời gian biểu và điều chỉnh phương pháp học phù hợp

 

c. Kết luận:    - Văn hóa, phong tục, khí hậu... của một đất nước, vùng miền

                        - Nội quy và nguyên tắc làm việc ở một cơ quan, trường học

                        - Yêu cầu của một lãnh đạo.

                        - Kỹ năng giao tiếp của mỗi người...

Tất cả những điều trên là những yếu tố ảnh hưởng đến chúng ta khi đến một môi trường mới. Để có thể thích nghi nhanh chóng, chúng ta cần phải  chuẩn bị trước bằng cách tìm hiểu về những điều trên trong môi trường mới. Chỉ có như vậy chúng ta sẽ không bỡ ngỡ hoặc bị shock về tâm lý với môi trường mới và dễ dàng  hòa nhập hơn.

 

3.  THỰC HÀNH THÍCH NGHI VỚI SỰ THAY ĐỔI MÔI TRƯỜNG MỚI

a. Mục tiêu: Gíup các em có kinh nghiệm thực tiễn trong việc tự điều chỉnh mình và xoay sở ứng phó để có thể thích nghi với môi trường mới nhanh chóng.

b. Cách tiến hành:

TRÒ CHƠI 1:

1. Các em sẽ được phát 1 thẻ trên đó có 1 con số từ 1 đến 5 hay 6,7... tùy sĩ số lớp và số lượng nhóm mà GVCN muốn thành lập.

2. Những em có cùng số sẽ lập thành 1 nhóm và cùng ngồi lại với nhau. Ví dụ:  các em có cùng số 1 sẽ tạo thành nhóm 1, có cùng số 2 tạo thành nhóm 2...
3.  Các nhóm sẽ được phát 1 tờ giấy A4 để ghi chú.

4. Trong vòng 5 phút, mỗi nhóm sẽ phải tìm ra  3 điểm chung của nhóm mình và 1 vấn đề mà cả nhóm bất đồng quan điểm.

5. Nghĩ ra cách giải quyết vấn đề hiệu quả và nhanh chóng để thống nhất quan điểm của nhóm.

6. Trình bày trước lớp.

TRÒ CHƠI 2:

Mỗi người lấy một tờ giấy tập trắng, viết 2 câu. Câu 1 là giới thiệu về bản thân mình (những điều mà mọi người chưa biết, chưa thấy hoặc bạn chưa có cơ hội để thể hiện). Câu 2 là câu gửi đến một bạn nào đó trong lớp (nhưng không được là bạn cùng tổ hoặc đã thân thiết, nên là những bạn mà bạn chưa tiếp xúc nhiều). Đó có thể là câu hỏi, suy nghĩ mà bạn muốn gửi đến một người bạn khác trong lớp. Sau 5 phút, người quản trò sẽ thu những tờ giấy đó và đọc ngẫu nhiên những điều mà các bạn ghi bên trong. Mỗi đội sẽ được chia ngẫu nhiên và cố gắng dựa vào những điều trong giấy để đoán ra người đó (ưu tiên đội của người được ghi trong giấy đoán trước). Đội chiến thắng là đội đoán ra được nhiều bạn nhất và bạn có những câu trong giấy ấn tượng nhất cũng là người chiến thắng. Đội và người chiến thắng sẽ được ra lệnh cho một bạn/lớp làm một điều gì đó và những bạn đó bắt buộc phải thực hiện.

 

c. Kết luận:

Khi đến một môi trường mới, bản thân mỗi chúng ta phải năng động, mở rộng trái tim đón nhận cái mới và điều chỉnh bản thân để nhanh chóng thích nghi với môi trường mới và hòa hợp với mọi người xung quanh.

V. Kết luận chung:

            Các em thân mến!

-Khi đến với môi trường mới, hoà nhập và thích nghi với môi trường mới là điều quan trọng đầu tiên mỗi người cần phải thực hiện. Nếu không hoà nhập và thích nghi, con người dễ rơi vào tâm trạng lạc lõng, bơ vơ, chán nản, suy nghĩ tiêu cực muốn bỏ cuộc. Sự hoà nhập và thích nghi giúp ta vượt qua cảm giác tiêu cực, tìm thấy niềm vui trong môi trường mới, quan hệ mới.

- Sự thích nghi và hoà nhập bao gồm thiết lập được mối quan hệ với những người mới, thích nghi với môi trường mới, với phương cách và cách thức làm việc mới,..... Sự hoà nhập còn hiểu là sự tham gia tích cực vào các hoạt động ở môi trường mới.

“Kẻ chiến thắng không phải là kẻ mạnh nhất hay thông minh nhất – mà là kẻ thích nghi nhanh nhất” (Darwin)

 

VI. Hướng dẫn chuẩn bị:

            Giấy A4, bút lông, thẻ số để phát cho học sinh.

 

 

Các tin khác: